Combo 2 Cuốn sách: Van Gogh + Vincent Van Gogh

Van Gogh------------ Một cuốn tiểu sử đào sâu bậc nhất về Van Gogh.Vincent Van Gogh – một thiên tài, nhà họa sắc và là một họa sĩ có sự nghiệp nghệ thuật ngắn ngủi nhưng để lại ảnh hưởng lớn đến công ...
  • Giao hàng toàn quốc
  • Được kiểm tra hàng
  • Thanh toán khi nhận hàng
  • Chất lượng, Uy tín
  • 7 ngày đổi trả dễ dàng
  • Hỗ trợ xuất hóa đơn đỏ

Giới thiệu Combo 2 Cuốn sách: Van Gogh + Vincent Van Gogh

Van Gogh

------------


 

Một cuốn tiểu sử đào sâu bậc nhất về Van Gogh.

Vincent Van Gogh – một thiên tài, nhà họa sắc và là một họa sĩ có sự nghiệp nghệ thuật ngắn ngủi nhưng để lại ảnh hưởng lớn đến công chúng và giới hoạt động nghệ thuật hậu hiện đại và đương đại – qua bàn tay của cặp đôi tiểu sử gia tài năng Naifeh và Smith đã được hiện lên trước mắt bạn đọc từ nhiều mảnh ghép của cuộc sống và những giai đoạn thăng trầm khác nhau của cuộc đời anh.

Cuốn tiểu sử được nghiên cứu, hoàn thiện trong quá trình 10 năm của một cặp tiểu sử gia Steven Naifeh, Gregory White Smith đã gắn bó và cộng tác, cống hiến với tình yêu nghệ thuật nhiều năm qua. Quá trình nghiên cứu của họ dựa vào rất nhiều tư liệu, tài liệu đã có cũng như chưa từng được khai thác một cách rộng rãi về cuộc đời và tiểu sử Van Gogh. Song song với 10 năm của họ là dự án Tập hợp các lá thư của Bảo tàng Van Gogh, từ đó giúp cho hai tác giả có cái nhìn toàn diện hơn, những kiến giải đa màu sắc hơn về “huyền thoại Van Gogh” vốn đã được lan truyền từ trước đến nay.

Cuốn tiểu sử này cũng theo dòng cuộc đời của Van Gogh, được chia ra làm 3 phần: những ngày khi cậu bé Vincent còn thơ ấu mải mê ở bãi hoang, ngắm nhìn chim muông cây cỏ rồi cô đơn nơi lớp học khi phải xa gia đình; thời thanh thiếu niên với những khủng hoảng tuổi mới lớn về công việc, sự nghiệp, tình yêu, câu hỏi cho mục đích của cuộc sống và lẽ sống được tìm kiếm qua con đường tôn giáo và những trang văn thơ, cũng như những tiếp xúc thuở ban đầu với hội họa; giai đoạn trưởng thành trong những năm ở Pháp cùng những giằng xé không được giải quyết, những câu hỏi không có câu trả lời và cũng không còn ai kiên trì để trả lời khi mốc trưởng thành đã đến và người ta hành động nhiều hơn thay vì ngồi hỏi những ngẩn ngơ ngày nào, cơm áo gạo tiền và địa vị xã hội cùng sự ổn định đã khiến tâm can người họa sĩ trở nên hoảng loạn và bất ổn nhất – nghịch lý là khi đó anh đã tạo ra những tác phẩm định hình rõ phong cách của anh cho tới khi rời bỏ cuộc đời.

Cuốn sách không miêu tả quá rõ hay cụ thể chỉ một hay một vài bức tranh của Vincent như những ấn phẩm Basic Art hay bất kỳ cuốn sách tranh nào khác thường nói về sự nghiệp hội họa của Van Gogh, mà mạch kể của nó đi theo hướng dành nhiều thời gian phân tích những biến chuyển tâm lý và suy nghĩ nội tâm của anh qua những bằng chứng còn sót lại là những lá thư và những lời kể, cùng những phân tích và nghiên cứu của hai tác giả, khiến cho chúng ta như vừa tham gia vào câu chuyện của Vincent lại vừa là người chứng kiến dưới góc nhìn khách quan để tự soi chiếu vào nội tâm của bản thân, với những thăng trầm, mặc tưởng, những cú ngoặt và sự chuyển mình của chính mình từ trước đến nay.

Nếu ta dám nói ta hiểu rõ ta mọi lúc và muôn nơi thì chắc có lẽ ta cũng không dám nói ta hiểu được Vincent 100%, chưa kể đến nội dung cuốn sách làm sáng tỏ về huyền thoại Van Gogh được thánh hóa suốt bao năm qua, cũng như đưa ra một góc nhìn khác về cái chết của Vincent, xem liệu có đúng anh đã tự sát chỉ bởi một cuộc đời không được thấu hiểu.

Đây không phải là một cuốn sách dễ đọc! Không phải vì nó quá dài, vì chẳng có cuốn sách nào đủ dài cho một đời người, mà có lẽ bởi những thăng trầm của cảm xúc, những cuồng mê đan xen lòng phẫn nộ, những ham muốn ích kỷ đi với trách nhiệm chung của cái gọi là gia đình, hay sự tử tế bề ngoài bao bọc lòng ích kỷ thuần túy bên trong. Nói cách khác, là sự đa tầng lớp lang của một con người, một đời người (không chỉ Vincent, mà còn cả những người trong gia đình anh và những người lạ đã đi qua cuộc đời anh).

Nhưng đến phần 3, đặc biệt là những chương cuối, khi hai tác giả tập trung nói về khía cạnh nghệ thuật và giai đoạn Vincent tạo ra được nhiều tác phẩm nhất trong sự nghiệp hội họa của mình, thì lòng ta cũng đã nguôi ngoai (hay là đã quen dần với?!) những biến động, để như hòa tan vào những nét bút, vào những khung cảnh phóng chiếu từ đôi mắt anh, qua bàn tay chuyển mình lên toan vẽ. Vincent, và tranh của anh, cho ta thấy Thiên nhiên thực sự có sức mạnh to lớn đến thế nào trong việc chữa lành những vết thương lòng cũng như đem cho ta sự khuây khỏa, đón ta vào lòng như một người Mẹ. Dù cho cái chết của anh đến một cách đột ngột và đầy ẩn khuất sẽ chẳng bao giờ được giải đáp hết, nhưng cuối cùng Vincent cũng được yên nghỉ trong lòng Người Mẹ Vĩ đại.

Sách lọt vào danh sách bán chạy của New York Times và được đánh giá là một trong những cuốn sách hay nhất năm trên các tạp chí danh tiếng như: The New York Times, The Washington Post, The Wall Street Journal, San Francisco, The Economist, BookReporter …

Ngoài nội dung chính về cuộc đời ông với những tranh trắng đen minh họa, trong sách còn đính kèm 32 trang phụ lục in màu hơn 60 bức tranh nổi tiếng của Van Gogh.

Đánh giá/ Nhận xét của chuyên gia:

“Cuốn tiểu sử mang tính then chốt trong nhiều thập kỷ tới.”

— Leo Jansen, giám tuyển, Bảo tàng Van Gogh, và đồng chủ biên cuốn Vincent van Gogh: The Complete Letters (Toàn tập thư Vincent Van Gogh)

“Xuất sắ lập tức trở thành tấm gương cho sự nghiên cứu đầy uyên bác và là một lời giải giàu tình cảm, thành công cho một thử thách nan giải trong việc viết tiểu sử về những nhân vật đã được huyền thoại thánh hóa.”

— The Daily Telegraph (London)

“Một thành tựu . . . một thành công to lớn. . . Đọc câu chuyện về cuộc đời Van Gogh khiến ta như đang đi trên một con tàu lượn vô tận với những cung bậc lên xuống đầy huyễn tưởng. . . . [Một] cuốn sách có kết cấu bố cục đáng kinh ngạc, thể hiện sự am hiểu bao quát tường tận.”

— Los Angeles Times

Trích đoạn hay:

Nếu màu sắc là âm nhạc của anh, thì cọ vẽ chính là nhạc cụ. Những nét vẽ có thể “đan dệt cùng cảm giác,” Vincent xác nhận vậy, để gọi ra một miền cảm xúc: từ “sự đau khổ” của lối vẽ đắp, tới sự hồ hởi của lối vẽ chấm màu; từ sự thanh thản của lớp sơn mịn màng (“giống như đồ sứ”), đến sự thăng hoa của những nét cọ tỏa ra.

Anh chấp nhận huấn thị của chủ nghĩa Viền ngăn để đơn giản hóa, đơn giản hóa, đơn giản hóa – nhưng không chỉ vì mục đích trang trí của việc đơn giản hóa. Sự đơn giản hóa và cường điệu hóa, giống như màu sắc và bút pháp, cần phải phục vụ cho một số sự thật của cảm xúc sâu sắc hơn.

— Chương 32, Hướng dương và Trúc đào

Sự kết hợp màu sắc thích đáng, anh nhấn mạnh, có thể khơi gợi đầy đủ những biến thiên cảm xúc của con người: từ sự “thống khổ” của những tông màu pha cho đến sự “bình yên tuyệt đối” của những tông cân bằng; từ “đam mê” bằng màu đỏ và xanh lá tới “sự an ủi nhẹ nhàng” của màu tử đinh hương và vàng. Trong khi miêu tả về màu sắc của mình, [] Vincent đã tiếp thu vốn từ vựng của những người thuộc phái Biểu tượng (lặp đi lặp lại những viện dẫn về “sự vĩnh cửu,” “những điều huyền bí,” “vô tận,” và “những giấc mơ”), nhưng ngang ngược tuyên bố bản thân là một “nhà họa màu duy lý” [] về những phép tính toán phức tạp đã dẫn đường cho bảng màu của anh – những lời lẽ giống như Seurat đã bị ghét cay ghét đắng đối chọi với bản tuyên ngôn về tri giác của những người theo phái Biểu tượng. Và anh từ chối thẳng thừng sự loại bỏ màu sắc thành một yếu tố đơn thuần của thiết kế như cách của trường phái Viền ngăn – một sự khấu trừ mang tính trang trí – hơn là sự “biểu hiện mạnh mẽ” của “một khí chất mãnh liệt.”

— Chương 32, Hướng dương và Trúc đào

Đây là lý thuyết duy nhất mà thứ nghệ thuật ngang bướng của Vincent có thể chịu – sự biểu hiện không thể tránh khỏi của một trí tuệ tổng hợp bị ràng buộc vĩnh viễn với một trái tim luôn loạn nhịp. “Khi anh cảm động bởi một điều gì,” anh nói, “thì đó là những điều duy nhất có vẻ như có ý nghĩa sâu sắc.” Và vẽ những điều đó “cuốn hút anh rất nhiều,” anh thú nhận, “tới nỗi anh để cho bản thân mình dấn bước, không bao giờ nghĩ gì được về bất cứ một quy tắc nào cả.” Ám ảnh nội tâm và thường cô độc, Vincent suy nghĩ sâu sắc về các câu hỏi đã làm bận tân các nhà văn, nghệ sĩ, và triết gia mà anh đọc; nhưng những lý thuyết của cá nhân anh về nghệ thuật, cũng như trong mọi thứ khác, đều không mạch lạc mà cũng không nhất quán.

— Chương 32, Hướng dương và Trúc đào

Câu quote hay:

“Tác phẩm của tôi là gì,” anh tuyên bố, “thì tôi là như vậy.”

— Lời nói đầu

“Hãy chiêm ngưỡng nhiều nhất em có thể,” anh khuyên Theo chừng thời điểm đó; “hầu hết mọi người đều không chiêm ngưỡng sao cho đủ.”

— Chương 5, Đường tới Rijswwijk

“Hạnh phúc cho ai được dạy dỗ bởi sự thật,” anh lý giải, “không bởi những ngôn từ phù du mà bởi chính nó, bộc lộ chính nó như cái nó là.”

— Chương 11, “Dat is het” (Chính là nó)

“Những khác biệt này có ý nghĩa gì,” [] “khi mà điều tuyệt vời nhất sau tất cả là thể hiện bản thân một cách mạnh mẽ?”

— Chương 32, Hướng dương và Trúc đào

"Anh thường nghĩ rằng buổi đêm sinh động và giàu màu sắc hơn ban ngày."

— Chương 32, Hướng dương và Trúc đào

Về tác giả:

Cùng tốt nghiệp tại trường Luật Harvard, Steven Naifeh và Gregory White Smith là cặp đôi tiểu sử gia nổi tiếng với 18 cuốn sách đã xuất bản. Tác phẩm của họ đạt nhiều giải thưởng và truyền cảm hứng cũng như cung cấp tư liệu cho các nhà làm phim dựng nên các tác phẩm nổi tiếng.

Steven Naifeh đã đóng góp nhiều bài viết cho các tạp chí nghệ thuật định kỳ và từng giảng dạy tại các bảo tàng như Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia (Mỹ). Ông theo học ngành Lịch sử Nghệ thuật tại Đại học Princeton và đã thực hiện luận án tốt nghiệp tại Bảo tàng Nghệ thuật Fogg của Đại học Harvard. Ông đã viết nhiều sách về nghệ thuật và những chủ đề khá, trong đó có bốn cuốn lọt vào danh sách bán chạy nhất của tờ New York Times.

Gregory White Smith là một nhà sưu tập nghệ thuật, luật sư, nhạc sĩ, nhà bảo tồn lịch sử, nhà từ thiện và doanh nhân. Tiểu sử của ông đã được giới thiệu trên nhiều tờ báo lớn như The New Yorker, New York Times, USA Today, và ông từng xuất hiện trên các chương trình 60 Minutes, The Oprah Winfrey Show và Larry King Lives.

Các tác phẩm nổi bật:

  • Jackson Pollock: An American Saga (Jackson Pollock: Chân dung một huyền thoại Mỹ, 1990)
  • Making Miracles Happen (Tạo nên phép màu, 1997)
  • Van Gogh: The Life (Van Gogh, 2011)

     


Vincent Van Gogh

------------


 

Bị chứng thần kinh giày vò, Vincent Van Gogh đã tự kết liễu đời mình ở tuổi 37, điều góp phần tạo nên huyền thoại về ông: con người mà khi còn sống không được đánh giá đúng, nhưng ngày nay lại là một trong những danh họa vĩ đại nhất thế kỷ XIX. Qua phân tích và giải mã lý thú 45 kiệt tác nổi bật nhất của Vincent Van Gogh, chúng ta sẽ thấy ông là một nhà tiên phong thực sự và là một nghệ sĩ phi thường như thế nào.

Với mỗi tác phẩm xuất sắc được giới thiệu trong cuốn sách này, hãy khám phá:

  • Những lý do khiến nó trở thành một kiệt tác “không thể chối cãi”;
  • Những hoàn cảnh sáng tác, nơi chốn và ngày tháng thực hiện;
  • Những giải thích về kỹ thuật vẽ mà họa sĩ sử dụng;
  • Những chìa khóa để hiểu điều mà nghệ sĩ muốn thể hiện,
  • Những chi tiết về kích thước, phương tiện, chất liệu và nơi lưu giữ,
  • Những lời trích dẫn gợi ra tầm quan trọng của tác phẩm trong lịch sử nghệ thuật.

Với lối trình bày rõ ràng, mạch lạc, chia làm hai phần: cuộc đời danh họa và những kiệt tác, cuốn sách sẽ dành cho những ai yêu thích danh họa Van Gogh muốn tìm hiểu, tra cứu thông tin nhanh chóng về cuộc đời ông, cùng 45 kiệt tác mà ông đã để lại.

Cuốn sách nằm trong bộ sách về các tác giả và tác phẩm hội họa nổi tiếng, thuộc tủ sách nghệ thuật của Omega+, mua bản quyền từ NXB Larousse danh tiếng của Pháp.

Trích đoạn hay:

1. Đối với hậu bối, Van Gogh là biểu tượng của một nghệ sĩ bị nguyền rủa, bất hạnh vào thời đại của mình, bị người đương thời chế nhạo, nhưng lại được phục hồi danh dự một cách vinh quang sau khi mất. Sự khác biệt giữa cuộc sống khiêm tốn và khối tài sản không tưởng của ông sau khi qua đời chắc chắn là đáng ngạc nhiên. Nhưng thành công rực rỡ trong nghệ thuật cũng nhắc ta nhớ rằng ông đã luôn tin vào thiên hướng của mình, rằng ông đã làm việc không ngừng trên khoảng 2.000 bức tranh để sáng tạo nên một thứ “ánh sáng mới” cho “những người anh em” của mình. (tr.7)

2. Con đường sự nghiệp với nhiều may mắn mở ra trước mắt Vincent Van Gogh, hết sức tự hào khi ở tuổi 20, ông đã kiếm được nhiều hơn cha mình ở tuổi 50! Tuy nhiên, thời kỳ hạnh phúc này chấm dứt trước một trở ngại không mong đợi – trái tim ông tan vỡ khi bị cô Eugénie Loyer, con gái người cho thuê nhà, khước từ tình cảm. Sau khi cô này thú nhận về mối tình với người thuê nhà trước, Van Gogh lần đầu tiên rơi vào cơn khủng hoảng cô độc và thù ghét loài người, đồng thời biểu lộ rõ mối quan tâm nhiệt thành tới những gì thuộc về tôn giáo. Gia đình ông lo lắng và không tán thành việc ông bỗng nhiên trở nên sùng đạo. (tr.10)

3. Vincent sớm quan tâm đến nghệ thuật vẽ phong cảnh; trong một bức thư gửi Théo vào tháng 8 năm 1882, khi mới bắt đầu vẽ, ông đã cảm thụ phong cảnh bằng thị giác với tính vật chất mạnh mẽ, đề cập chi tiết đến những lựa chọn màu sắc và sự khó khăn khi tái hiện lại chất liệu đất lên mặt vải: “Hôm qua, anh đã vẽ một mảnh rừng hơi dốc, mặt đất phủ đầy lá sồi rừng khô và lá bị sâu ăn. Đất có màu nâu đỏ, chỗ đậm, chỗ nhạt, và các sắc độ này được nhấn thêm do bóng cây, chúng vẽ lên mặt đất những đường khi mờ ảo, khi rõ nét. Khó khăn chủ yếu nằm ở việc nắm bắt độ đậm nhạt của màu sắc, chất liệu và độ chắc của đất, và chỉ khi vẽ chúng, anh mới hiểu được trò chơi ánh sáng trong bóng tối này. Công việc là làm sao giữ lại được ánh sáng, cũng như sự rực rỡ, cường độ của bảng màu phong phú đó. […] Trong khi vẽ, anh tự nhủ: mình sẽ không rời khỏi đây đến khi nào phản ánh được mùa thu trong bức tranh với chút gì đó vừa bí ẩn, vừa chân thành. Tuy nhiên – vì ấn tượng này không kéo dài – anh phải bắt tay nhanh vào việc; anh vạch các hình dáng bằng một vài nhát cọ mạnh mẽ. Anh nhận thấy rằng những gốc cây non đã đâm rễ sâu vào lòng đất một cách vững chắc; anh bắt đầu bằng việc vẽ chúng bằng cọ, nhưng càng xuống dưới thì đất càng đặc và những nét bút ngày càng hòa vào nhau, và vì thế anh quyết định vẽ rễ và gốc cây bằng cách trực tiếp nặn tuýp màu lên vải, rồi dùng cọ tạo khối lại cho chúng. Và đây, những thân cây mọc trên đất: chúng vươn lên từ đất, nhưng bén rễ sâu xuống một cách mạnh mẽ. Trên một phương diện nào đó thì anh mừng vì đã không học vẽ theo cách chính thống.” (tr.14-16)

4. Van Gogh vẫn tin rằng sự trung thành với tự nhiên đôi khi có hại cho sự biểu đạt, đặc biệt là khi người nghệ sĩ tìm cách tái hiện sức sống của người mẫu, trong nghệ thuật vẽ chân dung phức tạp. Vì thế, ông đòi hỏi sự tự do tuyệt đối trong việc sử dụng màu sắc để phục vụ duy nhất nhu cầu biểu đạt, ông cho rằng lựa chọn màu sắc hoàn toàn là chủ quan: “Anh muốn vẽ bức chân dung một người bạn nghệ sĩ ôm ấp những giấc mơ vĩ đại. Vì thế, để bắt đầu, anh sẽ vẽ anh ta như anh ta vốn thế, một cách trung thành nhất có thể. Nhưng bức tranh không dừng lại ở đó. Để hoàn thành nó, bây giờ anh sẽ tô màu theo ý thích. Anh phóng đại màu vàng của bộ tóc, anh dùng những sắc cam, sắc ánh kim, màu vàng chanh nhạt. Phía sau đầu, thay vì vẽ bức tường tầm thường của căn hộ xoàng xĩnh, anh vẽ một cái nền đơn giản, dùng màu xanh lam đậm nhất, dữ dội nhất mà anh có thể tạo ra và chỉ nhờ vào sự kết hợp này, mái tóc vàng tỏa sáng trên nền xanh đậm mới đạt được một hiệu ứng huyền bí, giống như ngôi sao trên không trung sâu thẳm”. (thư gửi Théo, tháng 8 năm 1888). (tr24-25)

5. Ẩn dưới vẻ ngoài rời rạc, thiếu liên kết, qua những câu chữ trong thư, ông bộc bạch nỗi khát khao về cái tuyệt đối, điều đã dẫn dắt nghệ sĩ tới chỗ lựa chọn cuộc đối đầu bi thảm với cái hư vô thay vì thỏa hiệp: “Thế đấy! Anh mạo hiểm cả cuộc sống của mình vì sự nghiệp, và lý trí của anh vì nó mà chỉ còn một nửa, nhưng em không ở trong số những tay buôn mà anh biết, và anh thấy em có thể chọn hành động rất người, nhưng em muốn gì?” (tr.31)

6. “Trong số những tác phẩm của mình, rốt cuộc, anh đánh giá bức tranh về những người nông dân ăn khoai tây được vẽ ở Nuenen là bức mà anh vẽ tốt nhất.” Van Gogh viết những lời này năm 1887, tức hai năm sau khi thực hiện tác phẩm. Lời nói này có thể gây ngạc nhiên khi xuất phát từ một người không bao giờ hài lòng, nhưng quan trọng là nó giúp chúng ta xác định bức Những người ăn khoai là một dấu mốc thực sự trong sự nghiệp nghệ sĩ của ông. (tr.38)

7. Ảnh hưởng của trường phái Ấn tượng bộc lộ rõ ràng ở bức này, đặc biệt trong cách chọn lựa màu sắc và phân bổ ánh sáng. Nhưng sự mãnh liệt của nét cọ chỉ thuộc về họa sĩ Hà Lan mà thôi. […] Học tập sức mạnh cô đọng của màu sắc từ phái Bắc Âu, chỉ đến khi xem tranh của Pissarro, Guillaumin, thậm chí là Seurat hay Gauguin, Van Gogh mới có ý thức đầy đủ về điều này. Từ nay trở đi, ông không ngừng khai thác sâu hơn những khả năng biểu hiện của màu sắc, đến mức dành cho chúng những nét nhấn thống thiết, cảm động hay bi thảm. (tr.42)

8. Thường xuyên và đều đặn, việc ông tự vẽ mình cho thấy ông ý thức được sự bất lực trong việc nhận biết bản thân (“Người ta nói và anh sẵn lòng tin rằng thật là khó để tự biết mình. Nhưng tự vẽ bản thân cũng không hề dễ!”). Đây hẳn là nền tảng của những rối loạn khủng khiếp sẽ dẫn ông đến thảm kịch cuối cùng. (tr.50)

9. Một lần nữa, họa sĩ tự vẽ mình già hơn thực tế, tuổi trẻ của ông đã hoàn toàn bị bệnh tật phá hủy. Mệt mỏi và yếu ớt, cho dù cái nhìn rất quả quyết, họa sĩ không tự vuốt ve mà cũng không tự bêu xấu. Đối với ông, tính hiện thực của các đường nét không quan trọng, điều đáng kể chính là sự biểu đạt mạnh mẽ những nỗi đau đớn. (tr.92)

10. Tính mâu thuẫn của bức tranh này đến từ sự kết hợp giữa lý tưởng và và nỗi tuyệt vọng. Khi vẽ “những cánh đồng lúa mì vô tận dưới một bầu trời rộng mở”, Van Gogh có ý thức rằng ông đang mạo hiểm dấn thân vào nơi mà ngôn từ bất lực trong việc diễn tả niềm hân hoan khi đối diện với cái vô hạn: “Anh không sợ thử biểu đạt nỗi buồn và sự cô đơn tột cùng. Anh tin rằng những bức tranh này sẽ nói điều mà anh không thể nói bằng lời, rằng anh nhìn thấy trong cuộc sống ở nông thôn những điều thánh thiện truyền sức mạnh”. (tr.121)

Câu Quote hay:

1. Van Gogh vẫn tin rằng sự trung thành với tự nhiên đôi khi có hại cho sự biểu đạt, đặc biệt là khi người nghệ sĩ tìm cách tái hiện sức sống của người mẫu, trong nghệ thuật vẽ chân dung phức tạp. Vì thế, ông đòi hỏi sự tự do tuyệt đối trong việc sử dụng màu sắc để phục vụ duy nhất nhu cầu biểu đạt, ông cho rằng lựa chọn màu sắc hoàn toàn là chủ quan […]. (tr.25)

2. Nằm giữa những cánh đồng đã được cày xới, tách khỏi ngôi làng, cô độc giữa vòng đai tạo thành từ các mộ phần, tòa tháp hiện lên như một biểu tượng của định mệnh […]. (tr.34)

3. “Nhiều họa sĩ sợ một tấm vải trắng, nhưng một tấm vải trắng lại sợ người họa sĩ đích thực với lòng đam mê và sự táo bạo.” – Van Gogh, năm 1884 (tr. 35)

4. Trầm lặng và tập trung, người thợ làm việc dưới sự bảo trợ của một trật tự siêu nhiên với sức mạnh toàn năng mà tòa tháp phía xa xa là hiện thân. (tr.36)

5. “Đừng quên, anh được sinh ra để là một người u sầu.” Vincent viết cho Théo, năm 1885 (tr.39)

6. “Anh thấy buồn về việc ngay cả khi thành công, hội họa cũng không bù đắp được cái giá mà ta phải trả cho nó.” Van Gogh, mùa hè năm 1887 (tr.43)

7. “Anh khao khát tôn giáo. Vì vậy, anh đi ra ngoài vào ban đêm để ngắm những vì sao”. Vincent gửi Théo, tháng 9 năm 1888 (tr.87)

8. […] nhân đôi mọi đồ vật, Vincent đang vẽ ước mơ – đã bị tan vỡ nhiều lần – được gặp tâm hồn đồng điệu với mình. (tr.88)

9. “Hãy vun đắp tình yêu của bạn với thiên nhiên, bởi vì đó là cách duy nhất để hiểu nghệ thuật hơn.” Van Gogh (tr.107)

10. Mặc dù vẫn chú ý trung thành với mẫu, Vincent không bao giờ có thể trung hòa tác phẩm của mình, ông biến tất cả những gì vẽ ra thành tấm gương phản chiếu những rối loạn của chính mình, có thể là ông cũng không nhận thức rõ ràng được điều đó. (tr.114)

Về tác giả:

GÉRARD DENIZEAU (25/10/1953)

Nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, nhà âm nhạc và cây viết người Pháp với rất nhiều tác phẩm thuộc đủ thể loại: tiểu thuyết, thơ ca, báo chí, sách về mỹ thuật và âm nhạc.

Ông từng làm giáo viên trung học (từ năm 1978 tại Lons-le-Saunier), giảng viên tại Đại học Lorraine (từ năm 1984), giảng viên âm nhạc tại Đại học Paris 4 (từ năm 1992) và tại Trung tâm Đào tạo Nghệ thuật cao cấp CRR-Paris 4 (từ năm 2004).

Gérard Denizeau đã dành nhiều năm trong sự nghiệp viết lách để cống hiến cho sự bảo tồn những di sản quý báu của nước Pháp nói riêng và thế giới nói chung.


 

Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng).....


Giá TRX

Thông tin chi tiết

Công ty phát hànhOMEGA PLUS+
Nhà xuất bảnNhà Xuất Bản Dân Trí
SKU3915500870668
Liên kết: Kem dưỡng da tay Hoa Lan Daily Perfumed Hand Cream 09 Orchid The Face Shop (30ml)