Giới thiệu Miền Nam Xưa Ngái (Truyện Ký)
…Dân miền Nam đa số còn “chịu chơi” hết mình với kiểu “enjoy” (tận hưởng) nữa, nên chẳng mấy khi giàu có, có nhiêu xài nhiêu, lúc sắp hết tiền mới đi cày kiếm tiếp. Có một thực tế là, miền Nam đất lành chim đậu, thường xuyên có các cuộc di dân từ miền Trung miền Bắc vô. Thời gian dài sau, mười năm hai mươi năm chẳng hạn, ai giàu lên cứ giàu, chứ cái anh Nam Bộ vẫn cứ “sống tà tà cánh nhạn”, ai hưởng gì “dả” hưởng đó nhưng tiền không có dư. “Dả” không thể làm giàu như mấy anh di dân miền Bắc miền Trung chịu thương chịu khó, biết tiết kiệm, biết ăn ngày nay lo ngày mai ngày mốt ngày kia ngày kỉa ngày kìa. “Chịu chơi chơi tới chiều”, “chơi xả láng sáng dậy sớm” tự bao giờ đã là thuộc tính của anh hai Nam Bộ. Thuộc tính này tuy có “cái hại” là không có tiền dự trữ, không bao giờ làm giàu được nhưng anh hai Nam Bộ luôn sống khề khà thoải mái- hiểu là chân thành dễ chịu dễ tính. Tới nhà anh hai Nam Bộ chơi, nhà tranh nền đất vách đất, chịu khó phủi chân ngồi xuống đất chơi chừng tiếng đồng hồ là có nồi cháo gà nóng hôi hổi dọn ra đãi khách. Nhấm nháp gỏi gà bóp với rau răm bắp chuối, đưa cay vài ly rượu chuối hột rồi muốn nói gì nói. Có gì khó khăn đâu, gạo xay từ lúa nhà trồng, gà nhà nuôi, bắp chuối rau răm chuối hột cũng nhà trồng luôn, các thứ đều xanh và sạch như tấm lòng anh hai Nam Bộ vậy!
Anh hai Nam Bộ mà đối đãi ân tình như vậy trong lúc có việc cần đi gấp thì má tôi sẽ thốt lên: “Nồi đồng nồi đất ơi, bữa khác ăn cháo gà anh hai ơi, giờ tui đi có việc gấp”. “Nồi đồng nồi đất ơi” ở đầu câu hay cuối câu trong câu nói của một bà má Nam Bộ rặt như má tôi là “cảm thán từ”, giống như “trời đất ơi” vậy. Nhưng mấy bà nhà quê nói, đất gần trời xa mà cứ “kiu quài” như vậy là không nên. Bà đất có thể nghe được, nhưng ông trời thì không. Kêu người nghe người không sẽ không được hai bên thấu hiểu hoặc thấu hiểu lộn xộn thì sẽ không hay cho người kêu. Đây cũng chỉ là một cách suy diễn. Có cách giải thích này hợp lý hơn, dễ chấp nhận hơn: trời đất là những thế lực thiên nhiên linh thiêng mà người nông dân thờ cúng xưa nay, không phải khi ngạc nhiên hay bất bình đều có quyền kêu trời kêu đất, thiếu gì thứ gần gũi thân thiết có thể kêu được mà không ảnh hưởng gì. Ví dụ nồi đồng nồi đất vậy. Nồi đồng nồi đất là hai vật thiết thân với người nông dân Nam Bộ xưa. Thời ngoại tôi còn nhỏ, người ta thường nấu ăn bằng nồi đồng. Sau này ngoại lớn hơn xíu, chiến tranh chống Pháp bùng nổ, hưởng ứng “tiêu thổ kháng chiến”, nhà nhà góp nồi đồng ấm đồng mâm đồng cho quân ta nấu chảy đúc làm vũ khí. Không còn nồi đồng ấm đồng mâm đồng, người nông dân chuyển sang xài nồi đất ấm đất mâm gỗ. Cho nên kêu “nồi đồng nồi đất ơi” là hợp lý, không sợ trời đất nào bắt tội.
Phương ngữ Nam Bộ cực hay nếu bạn chịu khó ngược dòng thời gian tìm hiểu nó. Mỗi từ mỗi câu đều có dấu ấn lịch sử hay xã hội của địa phương đó. Dấu ấn đậm nhất trong các cách dùng văn nói thường “lai Tàu” hay “lai Pháp”. Phải thôi, bởi đất nước Việt Nam nhỏ bé của chúng ta có bao giờ yên ổn lâu dài đâu. Mà những dấu ấn gần gũi này, người hậu sinh như chúng ta bây giờ dễ hình dung hơn, dễ chấp nhận hơn. Bởi vì dù sao, Nam Bộ cũng là vùng đất mới - chỉ hơn 300 năm tuổi so với thủ đô Hà Nội ngàn năm văn vật…
Trích “Miền Nam xưa ngái”
Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng).....
Giá LTC