Giới thiệu Thị hiều thẩm mỹ công chúng văn học Việt Nam đương đại (sách chuyên khảo)
Thị hiếu thẩm mỹ công chúng văn học Việt Nam đương đại
Thị hiếu thẩm mỹ công chúng văn học Việt Nam đương đại là một chuyên luận nghiên cứu đối tượng bạn đọc Việt Nam những năm gần đây.
Đọc và Văn hoá đọc đang trở thành một vấn đề mang tính thời đại. Đọc là một cách thức tiếp cận thông tin, làm giàu tri thức cho mỗi người. Đọc sách văn học là giải trí, là tìm hiểu cuộc sống qua các tác phẩm văn học được các nhà văn sáng tác, từ đó mà nâng cao nhận thức từ các giá trị thẩm mỹ rút ra từ cuộc sống. Văn hoá đọc phản ánh mối quan hệ giữa Nhà văn - Tác phẩm - Bạn đọc. Trong mối quan hệ đó, bạn đọc là một đối tượng, một “mắt xích” quan trọng. Nó là một “kênh” phản hồi, giúp nhà văn có cơ sở nhìn nhận lại tác phẩm của mình. Xa hơn, công chúng độc giả giữ vai trò quan trọng trong việc thẩm định “định giá” tác phẩm và là nhân tố quan trọng trong dòng chảy của tiến trình phát triển văn học.
Như vậy, nhiệm vụ của chuyên luận là khá nặng nề: Khảo sát, phân tích và đánh giá sự biến đổi của thị hiếu thẩm mỹ công chúng văn học Việt Nam trong một thời gian khoảng 35 năm (1986 đến nay), tức là từ giai đoạn đất nước bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới. Những nhân tố xã hội, kinh tế, công nghệ, sở thích… đã chi phối dòng văn hoá đọc của độc giả Việt Nam. Việc “nghiên cứu thị hiếu công chúng là để phục vụ và hướng dẫn công chúng” là một nhiệm vụ mà bộ môn Xã hội học Văn học cần phải thực thi.
Lấy quan điểm Mỹ học mác-xít kết hợp với quan điểm mỹ học phương Tây làm xuất phát điểm về mặt lý thuyết, Vũ Thị Thu Hà đã cập nhật được những quan điểm mới trong nghiên cứu văn học, tích hợp các vấn đề của Xã hội học Văn học, Tâm lý học nghệ thuật, Tâm lý lứa tuổi và Thẩm mỹ Văn hoá đọc của công chúng nói chung. Theo tác giả, người đọc là khái niệm trung tâm của một chu trình khép kín văn hoá đọc: Cuộc sống - Nhà văn (tác giả) - Tác phẩm - Người đọc. Tác giả đã làm rõ hai khái niệm người đọc và công chúng văn học. Người đọc là người tiếp nhận, là “hiện thân của nhu cầu xã hội”. Theo Lý thuyết giao tiếp, tác phẩm văn bản (người viết, nguồn phát) và người đọc (nguồn thu) là hai vế tương tác mang tính “đối thoại bằng đơn thoại” bởi “Mỗi văn bản bất kỳ đều hàm ẩn một cuộc trao đổi” (Đỗ Hữu Châu). Người đọc văn học, nói rộng hơn, chính là “công chúng văn học”, Người đọc không chỉ là những người chỉ “đọc” (lĩnh hội bằng mắt qua kênh đồ hình), mà còn nghe, nhìn hay kết hợp nhiều giác quan nhận thức, một “vai” không thể thiếu trong sự cảm nhận, đánh giá và phát triển của văn học. Theo Vũ Thị Thu Hà “Thông qua phương thức đọc, hành động đọc, người đọc “đối thoại” với nhà văn bằng “phản ứng”, bằng sự “đồng cảnh”, “đồng tình” khi đọc tác phẩm” (tr. 21). Cũng bởi thông qua việc đọc, công chúng văn học trở thành người chia sẻ, đồng hành, người tạo nên cảm hứng cho sự sáng tạo văn học. Thái độ người đọc chính là thước đo, là “hàn thử biểu” đối với tác phẩm văn học.
Khảo sát người đọc văn học Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 1986 cho đến những năm đầu thập kỉ thứ hai thế kỉ XXI, tác giả đã có một ngữ liệu đủ lớn về “bức tranh” văn hóa đọc Việt Nam ba mươi năm (bắt đầu thời kỳ đổi mới), mà “dưới tác động của quá trình đổi mới, tư tưởng đổi mới, cả nền văn học cũng được khởi động lại, chuyển mình. Đặc biệt, cùng với quá trình đổi mới, quá trình hội nhập và giao lưu quốc tế đã tạo ra những tiền đề quan trọng để văn học phát triển… Việc tạo ra nhiều cơ hội xuất hiện các khuynh hướng thẩm mỹ, các trào lưu thị hiếu nghệ thuật cũng đã mở rộng khả năng lựa chọn cho cá nhân sáng tạo và tiếp nhận/thưởng thức” (tr. 70).
Đọc, dĩ nhiên, là câu chuyện muôn thuở, nhưng mỗi thời kỳ lại có những sự khác biệt. Trước hết là sự hình thành các nhóm người đọc, theo các tiêu chí khác nhau: độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, tầng lớp xã hội. Những “biến xã hội” (social variables) này chi phối mạnh mẽ khuynh hướng đọc, năng lực đọc và từ đó hình thành nên các “gout” thẩm mỹ của văn hoá đọc. Trong phần 2, cuốn sách đã dành dung lượng lớn để phân tích 4 bình diện khác nhau của sự phân hoá thị hiếu thẩm mỹ. Đó là các bình diện điển hình: 1) môi trường văn hoá - xã hội, 2) tâm lý, lứa tuổi, nghề nghiệp, 3) phương thức tiếp nhận và 4) giá trị tiếp nhận. Với sự khác biệt về môi trường xã hội (không gian địa lí, khoảng cách giàu - nghèo, trình độ văn hoá…) đã hình thành nên các nhóm công chúng người đọc (thành thị/ nông thôn, bình dân/ tri thức, đại chúng/ tinh hoa…). Đáng lưu ý, với sự khác biệt về tâm lí, lứa tuổi, nghề nghiệp, sự phân hoá diễn ra vừa đa dạng, phức tạp vừa tinh tế, khó nắm bắt. Loại trừ người đọc dưới 14 tuổi, tác giả phân loại các nhóm công chúng thành 3 “thê đội” chính: 1) từ 18 đến 35 (tuổi), 2) từ 35 đến 55, 3) từ 55-70. Như vậy, mỗi “thê đội” gần tương đương với một thế hệ. Sự chênh lệch kéo theo sở thích khác nhau trong việc đọc. Đặc biệt, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin (nhất là công nghệ thời đại 4.0) cho phép bạn đọc thuộc giới trẻ có điều kiện thực hiện các hoạt động đọc một cách tiện lợi, nhanh chóng và sinh động hơn (thông qua internet và các phương tiện nghe nhìn rất hiện đại).
Nhưng cũng từ công nghệ mà giới trẻ ngày nay trở nên lười đọc với nghĩa đích thực. Bởi nhiều bạn trẻ đọc nhiều nhưng chủ yếu xem là chính, đọc tắt, đọc nhanh, đọc qua màn hình (để thoả mãn tính hiếu kỳ) mà quên mất một điều, “đọc cũng là một nghệ thuật” (V.I. Lênin), với sự chuẩn bị về tâm thế, tri thức và sự chiêm nghiệm mà phương thức đọc truyền thống vẫn chiếm ưu thế. Như vậy, đọc sách gì và đọc như thế nào luôn là một vấn đề hàng đầu của văn hoá đọc. Các bảng thống kê định lượng (biểu 2.1-2.2, bảng 2.1-2.2-2.3, 2.4-2.5) cho thấy sự phân hoá này chính xác và thuyết phục hơn.
Đó là thực trang. Và chính từ đây chuyên luận có căn cứ để phân tích Các yếu tố tác động đến sự phân hoá thị hiếu thẩm mỹ công chúng văn học Việt Nam đương đại (Phần 3). Đây là phần điều tra xã hội học. Theo tác giả “Cũng như nhiều hiện tượng xã hội và văn học khác, sự phân hoá thị hiếu thẩm mỹ của công chúng không phải một quá trình tự thân, mà diễn ra dưới sự tác động của nhiều yếu tố chủ quan và khách quan khác nhau. Mỗi yếu tố có cơ chế tác động, có hiệu lực tác động, có vị trí ý nghĩa riêng” (tr.131). Thực chất, đó cũng chính là các “biến tác động xã hội” và theo tác giả, có tới 9 tác động, chi phối và làm ảnh hưởng tới thị hiếu thẩm mỹ của công chúng văn học: 1) truyền thống văn hoá và kinh nghiệm thẩm mỹ, 2) hệ thống giáo dục đào tạo, 3) phương tiện truyền thông - xuất bản, 4) cơ chế thị trường, 5) quá trình giao lưu và hội nhập quốc tế, 6) yếu tố tâm lí, 7) hệ thống quan niệm các giá trị văn học, 8) hệ thống lý thuyết văn học, 9) chuẩn thẩm mỹ cộng đồng. Xem xét từ truyền thống, hiện tại đến tương lai, mỗi tác động là một vấn đề cần khảo sát kĩ và nghiêm túc. Có 2 tác động đầu tiên, đáng lưu ý. Đó là vai trò quan trọng của truyền thống văn hoá dân tộc, là “những yếu tố trực tiếp tác động mạnh mẽ đến hành vi, lối sống và quá trình hình thành nhân cách của con người” (tr.131), “Việt Nam là một dân tộc có truyền thống văn hoá đặc sắc, lâu đời, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của đất nước” (tr.132). Đó là vai trò của giáo dục “giúp con người hoàn thiện về nhân cách, tri thức, hướng tới giá trị cao đẹp, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ” (tr.137), cần giúp các em học sinh hướng tới “những tác phẩm văn chương chinh phục lòng người” và “Quan trọng hơn cả, tác phẩm văn học đó phải chứa đựng “những tư tưởng tiến bộ, nhân danh cái đẹp, cái thiện để phê phán cái xấu, cái ác; hướng đến lợi ích chính đáng của nghệ thuật, của Tổ quốc và của Nhân dân”” (tr.146),
Phần 4, cũng là phần kết thúc của chuyên luận (Sự chi phối thị hiếu công chúng đến văn học hiện nay) là một “vĩ thanh” thú vị. Thực ra, với 3 phần được viết rõ ràng, mạch lạc, cuốn sách coi như đã hoàn thành “chương trình nghị sự”. Nhưng tác giả vẫn dành tới hơn 70 trang sách để nói thêm một vấn đề: Cần phải coi công chúng văn học như một chủ thể tham gia vào sự hình thành, phát triển và sáng tạo văn học. Chính phản ứng, thái độ của họ giúp cho các nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch… - những người sáng tạo nên tác phẩm - có cơ hội “nhìn lại mình”. Công chúng văn học không phải là các nhà phê bình chuyên nghiệp nhưng mỗi góp ý, mỗi nhận định, mỗi sự cổ xuý hay phản đối của họ sẽ là tác nhân kích thích sự sáng tạo văn học. Tác giả cũng đã chỉ ra những thuận lợi, những thử thách và bất cập của vấn đề phê bình văn học nghệ thuật hiện nay trong việc góp phần đưa nền văn học Việt Nam có sự phát triển lành mạnh với những giá trị mới.
Thị hiếu thẩm mỹ và sự phân hóa thị hiếu thẩm mỹ của công chúng văn học Việt Nam đương đại là vấn đề thời sự, thu hút sự quan tâm của giới nghiêu cứu học thuật, của các cấp, ngành quản lý về văn học nghệ thuật. Sự đánh giá khái quát, lý giải nhiều vấn đề nghệ thuật của người viết đã khẳng định giá trị văn học, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ công chúng. Một số các kiến nghị - đề xuất của công trình góp phần vào việc xây dựng thị hiếu thẩm mỹ người đọc, tư vấn chính sách phát triển, quản lý văn học nghệ thuật hiện nay, bởi “người đọc/công chúng góp phần vào việc thẩm định văn chương và hoàn thiện chu trình đời sống văn học nghệ thuật”.Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng).....
Giá OBSR