Giới thiệu Sách - Giáo Trình Xã Hội Học Văn Hóa
Giáo Trình Xã Hội Học Văn Hóa
ISBN: 9786048444921
Tác giả: TS. Mai Thị Kim Thanh
Nhà xuất bản: Đà Nẵng
Năm xuất bản: 2019
Số trang: 250
Khổ sách: 16x24
Công ty phát hành: Nhà sách 30 Hàn Thuyên
Nội dung:
Xã hội học văn hóa là một trong những chuyên ngành chính của Xã hội học đại cương - một môn học quan trọng trong nhiều chương trình đào tạo cử nhân. Hiện nay, nhu cầu tìm hiểu văn hóa rất lớn, các vấn đề văn hóa - xã hội luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam đề cao với những chính sách cụ thể nhằm phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, đồng thời tiếp thu những tinh hoa văn hóa thế giới làm phong phú thêm nền văn hóa bản địa. Đã có rất nhiều những cuộc hội thảo khoa học lớn nhỏ bàn về vấn đề văn hóa, song ở mỗi một ngành khoa học khác nhau, văn hóa lại được nhìn nhận khác nhau. Đúc rút kinh nghiệm qua quá trình giảng dạy, cập nhật những kiến thức về Xã hội học văn hóa, cũng như văn hóa học từ nhiều giáo trình, tài liệu và cả những tài liệu mới được xuất bản gần đây trên thế giới, tôi đã biên soạn cuốn giáo trình này.
Trong cuốn giáo trình này, chúng tôi muốn đề cập đến một cách nhìn khác về văn hóa, một phương pháp nghiên cứu khác khi nhìn nhận nền văn hóa dân tộc nói chung và nền văn hóa thế giới nói riêng. Xã hội học văn hóa ra đời nhằm đáp ứng những nhu cầu cấp thiết của đời sống văn hóa con người và xem xét những quan điểm dưới góc độ Xã hội học văn hóa có những điểm gì khác biệt so với những cách nhìn của các ngành khoa học khác. Xã hội học văn hóa đi sâu vào tìm hiểu bản chất xã hội của các sự kiện văn hóa, những gì đã và đang diễn ra trong đời sống văn hóa của con người trong xã hội. Việc tăng cường tìm hiểu về các nền văn hóa là rất cần thiết và quan trọng để làm rõ tính chất liên ngành, liên cấp của chuyên ngành Xã hội học văn hóa.
Phương pháp tiếp cận liên ngành hay liên cấp được cho là một trong những phương pháp hữu hiệu nhất xuyên suốt trong quá trình nghiên cứu của một nhà khoa học. Với mỗi một vấn đề của Xã hội học văn hóa đều cần được xem xét trên nhiều cấp độ từ vi mô (hộ gia đình, nhóm xã hội,...) đến cấp độ vĩ mô (cộng đồng xã hội, quốc gia và quốc tế).
Con đường xây dựng và phát triển Xã hội học văn hóa là con đường nghiên cứu khoa học một cách có kinh nghiệm, có sự phê phán, đóng góp một cách trung thực từ những sự kiện ngay trong đời sống, trong mối quan hệ không thể tách rời giữa con người với văn hóa và xã hội. Sự nhận thức một cách liên tục của con người qua thời gian sẽ dần dần phát hiện và sửa chữa những thiếu sót, những gì là dư thừa, không cần thiết cho sự phát triển của văn hóa, quan điểm cũng như những nét văn hóa sẽ thay đổi không ngừng theo thời gian.
Trong cuốn giáo trình này, nội dung của các chương sẽ được trình bày theo thứ tự sau: Nội dung Chương I là những vấn đề chung - vấn đề thiết yếu của Xã hội học văn hóa, bao gồm: Khái niệm Xã hội học văn hóa; đối tượng nghiên cứu của Xã hội học văn hóa; vị trí của Xã hội học văn hóa trong hệ thống các ngành khoa học xã hội cùng nghiên cứu về văn hóa và các chuyên ngành xã hội khác; chức năng và nhiệm vụ của Xã hội học văn hóa; vai trò của Xã hội học văn - hóa và Vài nét sơ lược về lịch sử hình thành và phát triển của Xã hội học văn hóa. Chương II là Một số lý thuyết ứng dụng trong Xã hội học văn hóa, bao gồm: Những lý thuyết, phương pháp thu thập thông tin chính và các bước tiến hành triển khai trong nghiên cứu Xã hội học văn hóa. Chương III là các thành tố cơ bản trong nghiên cứu Xã hội học văn hóa như: Giá trị - chuẩn mực; biểu tượng; ngôn ngữ; văn hóa dân gian; văn hóa - nghệ thuật; lối sống; lễ hội. Cuối cùng là Chương IV: Văn hóa qua một số lĩnh vực của đời sống xã hội với các vấn đề như: Văn hóa trong sự phát triển kinh tế xã hội; văn hóa trong hoạt động giáo dục; văn hóa trong hoạt động tín ngưỡng
Giá TOR