Giới thiệu Sách Truyện Ký Việt Nam Trong Thư Tịch Cổ - Tập 2
Công ty phát hành: TT Nghiên Cứu Quốc Học
Nhà xuất bản: NXB Văn Học
Tác giả: Nhiều tác giả
Loại bìa: Bìa Mềm
Số trang: 438
Năm xuất bản: 2021
Truyện ký là từ dùng của người xưa. Ở đấy yếu tố “truyện” là chính, “ký” cũng như “lục” nghĩa là ghi lại (như Danh thần truyện ký, Tang thương ngẫu lục v.v...). Như thế, Truyện ký là những tác phẩm văn xuôi được viết bằng chữ khối vuông, mà gần đây các nhà Đông phương học vẫn quen gọi là Tiểu thuyết (Việt Nam Hán văn tiểu thuyết). Trong Việt Nam Hán văn tiểu thuyết phân chia ra từng loại: Bút ký tiểu thuyết, Bút ký truyền kỳ tiểu thuyết loại, Thần thoại truyền thuyết loại, Lịch sử tiểu thuyết loại (Tiểu thuyết Bút ký, Tiểu thuyết Truyền kỳ, Tiểu thuyết Thần thoại, Tiểu thuyết Lịch sử). Truyện ký Việt Nam trong thư tịch cổ, được mở rộng hơn, bao gồm các tác phẩm văn xuôi là truyện ký (truyện dài, truyện ngắn, mẩu truyện) được ghi lại trong những tài liệu, sách vở viết bằng chữ Hán hay chữ Nôm, đã tồn tại trong suốt thời kỳ phong kiến Việt Nam từ thời Lý - Trần đến cuối đời Nguyễn (nửa đầu thế kỷ XX). Ở đấy ngoài những tác phẩm đã giới hạn bằng tên chung của mình (Nam sử tự kỷ, Nam Chân tạp kỷ, Dị nhân lược chí,...) còn bao gồm các sách không chuyên về Truyện ký, nhưng trong đó có một hoặc một số truyện thuộc lĩnh vực “Truyện” như "Hoa trình hậu tập" chép các bài thơ đi sứ, thơ đáp tặng bạn bè của khuyết danh, trong đó lại có chép hai bài ký: "Đi rừng gặp hổ", "Ngủ đêm ở động Sơn Tinh", hay trong "Đảng khoa lục sưu giảng", ngoài việc ghi chép tên họ quê quán các vị đỗ đại khoa ra, còn ghi kèm những truyền thuyết khá hấp dẫn của một số vị trước khi đỗ đại khoa v.v.... Truyện ký Việt Nam trong thư tịch cổ chia ra hai thể loại chính : Truyện dài và Truyện ngắn. Truyện dài là truyện được viết theo lối chương hồi, cũng có truyện viết theo lối hồi ký, hay phân chia ra từng tiết... Truyện ngắn, gồm cả những mẩu chuyện, chiếm tuyệt đại đa số, xuất hiện khá sớm, thường tập hợp lại thành tập với chủ đề nhất định. Truyện ngắn có nội dung phong phú, gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, như: Truyện chí quái (những truyện kỳ dị, quái đản), Truyện truyền kỳ , Truyện bút ký hay tạp ký, Truyện lịch sử, Truyện tình yêu, Truyện hài hước châm biếm, Truyện vụ án (Truyện công án), Truyện sự tích, Truyện ngụ ngôn, Truyện về đạo lý, Truyện hiện thực đương đại, Truyện văn xuôi chữ Nôm... [....] Với mong muốn "Truyện ký Việt Nam trong thư tịch cổ" sớm đến với độc giả nên trong lần xuất bản này chúng tôi lựa chọn 16 văn bản với tổng số 261 truyện. Tất cả những văn bản này đều đang được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Những truyện đã được lựa chọn trong tập sách này là những tác phẩm tiêu biểu đại diện cho truyện dài và truyện ngắn. Về truyện dài có "Sự tích ông Trạng Quỳnh", "Sự tích ông Trạng Lợn"... Về truyện ngắn có "Cổ quái bốc sư truyện" đại diện cho loại truyện chí quái, "Tân truyền kỳ lục" đại diện cho truyện truyền kỳ, "Dã sử tạp biên" đại diện cho truyện bút ký, "Sử Nam chí dị" đại diện cho truyện lịch sử, "Truyện ký trích lục" đại diện cho truyện tình yêu, "Tiếu lâm tân truyện" đại diện cho truyện hài hước châm biếm v.v... Mỗi một tác phẩm, chúng tôi đều có tiến hành khảo sát và đối chiếu các dị bản để tìm ra bản tin cậy (bản nền) để tiến hành biên dịch, giới thiệu. - Lời mở đầu
Giá CLOUD