Giới thiệu Sách-Tôn giáo học và khảo cổ học tôn giáo ở Việt Nam (bìa cứng)
Tôn giáo học và khảo cổ học tôn giáo ở Việt Nam (bìa cứng)
Tác giả Nguyễn Quốc Tuấn
Nhà xuất bản NXB Đại học Sư Phạm
Công ty phát hành Đại Học Sư Phạm
Năm xuất bản 2020
Kích thước 17 x 25 cm
Số trang 390
Giới thiệu sách
"Cuốn sách mà quý vị đang cầm trên tay là tập hợp một số công trình tiêu biểu của Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), người mà bạn bè, đồng nghiệp thường gọi với cái tên thân thương là “Tuấn khuỳnh”. Những bài viết trong cuốn sách này không hẳn chỉ là những kết quả nghiên cứu mà hơn thế, là những suy tư của Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn về tôn giáo, về những cách tiếp cận mới trong nghiên cứu tôn giáo, đặc biệt là khảo cổ học tôn giáo, nhân học tôn giáo – những lĩnh vực mà tác giả cuốn sách có nhiều thời gian dấn thân và trải nghiệm.
Nội dung cuốn sách gồm hai phần chính: Tôn giáo học và Khảo cổ học tôn giáo. Trong phần thứ nhất: Tôn giáo học, các bài viết được sắp xếp theo 3 chủ đề: Những vấn đề chung về tôn giáo, Những vấn đề về tín ngưỡng và Các tôn giáo cụ thể. Mặc dù những bài viết trong phần này đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau, nhưng theo chúng tôi, đã phản ánh khá rõ logic trong tư duy của Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn trong nghiên cứu tôn giáo. Trước hết, khi bắt tay vào nghiên cứu tôn giáo, chúng ta phải trả lời những câu hỏi hết sức cơ bản: Tôn giáo là gì? Tín ngưỡng là gì? Đây là những câu hỏi tưởng như rất đơn giản, rất cũ nhưng sự thực lại không hẳn như vậy, bởi lẽ nhận thức về tôn giáo ở Việt Nam còn rất khác nhau. Có những thời gian dài, tôn giáo bị nhìn nhận như một hình thái ý thức xã hội, phản ánh hư ảo thế giới hiện thực, thường gắn với mê tín, dị đoan, phản khoa học... Do vậy, công việc của những người nghiên cứu tôn giáo là đem lại một cách nhìn khoa học, khách quan về tôn giáo, tức là nhận thức về tôn giáo đúng như nó vốn thế. Những bài viết: “Tiếp cận hệ thống thực thể tôn giáo: Một cách nhìn khác về tôn giáo”, “Triển khai lí thuyết thực thể tôn giáo”, “Nhận thức lại về các khái niệm tín ngưỡng và tôn giáo từ góc độ nghiên cứu tôn giáo” trong cuốn sách này chính là sự cố gắng làm rõ hơn cách tiếp cận tôn giáo học của Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn. Đây cũng là những suy tư, trăn trở lớn nhất của ông trong những năm qua.
Phần thứ hai: Khảo cổ học tôn giáo bao gồm những bài viết mà Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn đã dành nhiều tâm huyết trong quá trình nghiên cứu luận án Tiến sĩ chuyên ngành Khảo cổ học và sau này xuất bản thành cuốn sách có tựa đề: Chùa Bối Khê nhìn từ khảo cổ học Phật giáo. Có thể nói, những bài viết về chùa Bối Khê không chỉ mang lại cho người đọc tri thức sâu sắc về Phật giáo, Đạo giáo, tín ngưỡng mà còn mang lại những tri thức liên ngành như: khảo cổ, lịch sử, văn hoá, nghệ thuật, điêu khắc, kiến trúc... Bài viết ““Quy hoạch” tâm linh – tôn giáo của Kinh thành Thăng Long (Nhân khai quật khảo cổ học tại khu 18 Hoàng Diệu, Hà Nội)” trong phần cuối cuốn sách lại gợi mở về một vấn đề có tính thời sự đó là vấn đề quy hoạch không gian tôn giáo, quy hoạch đất đai tôn giáo, vấn đề xây dựng các công trình tôn giáo trong không gian đô thị hiện nay.
Vài lời giới thiệu trên đây chưa thể bao quát hết những nội dung phong phú của cuốn sách, những gợi mở về cách tiếp cận và nhất là đóng góp của Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn đối với nghiên cứu tôn giáo ở Việt Nam hiện nay. Với tất cả tình cảm trân trọng, tôi xin giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Tôn giáo học và khảo cổ học tôn giáo ở Việt Nam của Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn."
Giá BMBO