Giới thiệu Sách Mấy vấn đề lịch sử và lý luận trong đời sống văn hóa, văn chương Việt
Một trong những nhà nghiên cứu văn học Việt Nam hiện nay không thể không nhắc đến GS Phong Lê. Có thể nói hơn nửa thế kỷ miệt mài với sự nghiệp nghiên cứu văn học Việt Nam, GS. Phong Lê đã ra mắt bạn đọc hàng trăm tác phẩm (viết chung và viết riêng), trong đó có nhiều tác phẩm có giá trị về văn học Việt Nam hiện đại. Những công trình của Phong Lê tập trung theo hai hướng: Thứ nhất, khảo sát các hoạt động, các vấn đề, các dòng chảy văn học để tìm hiểu sự vận động, tìm kiếm quy luật phát triển của văn học; thứ hai, nhìn nhận lịch sử văn học Việt Nam thế kỷ XX gắn với các gương mặt tác gia tiêu biểu cho mỗi khu vực, khi lựa chọn những nhân vật có vị trí quan trọng trên văn đàn nước nhà, GS Phong Lê đã qua họ để làm sống dậy bức tranh đa sắc của văn học Việt Nam thế kỷ XX.
Năm 2019, GS Phong Lê tiếp tục cho ra mắt một cuốn sách mang tên Mấy vấn đề lịch sử và lý luận trong đời sống văn hóa Việt, văn chương Việt, gồm 4 chuyên đề, được thực hiện trong hai năm 2018 - 2019.
Phần Một: Về văn hóa và văn chương Việt (Mười thế kỷ văn học Việt Nam).
Khái quát những nét chung nhất, cơ bản nhất về văn hóa và văn chương Việt từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ XX.
Phần Hai: Tiến trình văn học dân tộc và buổi đầu của nền văn xuôi Quốc ngữ.
Lịch sử văn học Việt Nam có một bước ngoặt quan trọng gắn với yêu cầu hiện đại hóa được thực hiện gấp rút trên cơ sở những chuyển động của xã hội từ xã hội phong kiến kéo dài trên dưới 1000 năm sang xã hội thuộc địa, với những khởi động ban đầu rất ấn tượng của nó trên khu vực văn xuôi Quốc ngữ ở Nam Kỳ vào nửa cuối thế kỷ XX, rồi chuyển ra Bắc Kỳ vào hai thập niên đầu thế kỷ XX.
Phần Ba: Nhận diện hệ thống lý luận về văn hóa và văn học nghệ thuật trên quan điểm mácxít ở Việt Nam thế kỷ XX.
Trong quá trình hiện đại hóa văn học dân tộc, tất yếu có sự tiếp cận, tiếp nhận các trường phái lý thuyết phương Tây, trong đó có vai trò quan trọng hàng đầu là khuynh hướng lý luận trên quan điểm mácxít đến từ con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc vào đầu những năm 1920 ở Paris đưa tới sự ra đời Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930 và Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943.
Phần Bốn: Quan hệ văn nghệ và chính trị nhìn từ lịch sử văn chương Việt qua các giai đoạn, các mục tiêu và phương thức ứng xử.
Là cách đi sâu vào một khu vực quan trọng, nếu không nói là quan trọng nhất trong hệ thống lý luận về văn học nói riêng, văn hóa - nghệ thuật nói chung, để giải quyết yêu cầu tự do sáng tác bao giờ cũng là yêu cầu đứng ở vị trí hàng đầu trong hoạt động sáng tạo của nhà văn nói riêng và giới văn nghệ sĩ nói chung.
Trong mỗi phần, GS Phong Lê đã dành hết tâm huyết chắt lọc và đúc rút những thông tin cơ bản và quan trọng nhất, tiêu biểu nhất của các giai đoạn văn học, văn hóa, những nét đặc trưng nhất về văn học, văn hóa cùng các tác giả tiêu biểu của từng vùng miền. Bốn phần là bốn vấn đề trong một cấu trúc như trên có sự gắn bó mật thiết với nhau, nhằm góp phần khơi rộng và đi sâu vào các mối quan tâm trong các giới nghề nghiệp và công chúng bạn đọc rộng rãi ở thời điểm hôm nay.
Mã sách: 9786048040659
Tác giả: GS. Phong Lê
Số trang: 228
Kích thước: 14,5 X 20,5
Trọng lượng: 300 gram
Hình thức bìa: Bìa mềm
Năm xuất bản: 2019
Giá XENT