Giới thiệu Sách - Di Tích Lịch Sử Văn Hóa Tây Nguyên
Sách - Di Tích Lịch Sử Văn Hóa Tây Nguyên
Tác giả Nguyễn Tùng (biên soạn)
Nhà xuất bản NXB Thông Tin và Truyền Thông
Đơn vị phát hành NXB Thông Tin và Truyền Thông
Ngày xuất bản 2020
Số trang 250
Kích thước 14,5x20,5 cm
Loại bìa Bìa mềm
Nội dung
Tây Nguyên là một vùng cao nguyên rộng lớn nằm ở phía Tây và Tây Nam nước ta, là một trong ba tiểu vùng của miền Trung Việt Nam phía bắc và phía đông được bao bọc bởi vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, phía nam giáp với vùng Đông Nam Bộ, phía tây giáp với tỉnh Áttapư của Lào và hai tỉnh Ratanakiri và Mondulkiri của Vương quốc Campuchia. Về mặt tổ chức hành chính, Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Tây Nguyên là vùng có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng; có nhiều thế mạnh, tiềm năng đã và đang được khai thác phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cho đến nay, Tây Nguyên vẫn còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể hết sức quý giá, vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị thẩm mỹ độc đáo như: nhà rông, nhà dài, đàn đá, tượng nhà mồ, các lễ hội và kho tàng văn học dân gian với những bản trường ca, truyện cổ, truyện ngụ ngôn, lời nói vần, những làn điệu dân ca đậm đà bản sắc lưu truyền qua nhiều thế hệ. Một trong những di sản nổi tiếng nhất của Tây Nguyên là Không gian văn hóa cồng chiêng, đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Khi tìm về các giá trị cội nguồn nhằm mục tiêu phát triển du lịch ở các tỉnh Tây Nguyên, ta không chỉ nói đến các kiến trúc dân gian, lễ hội, ẩm thực, nhạc cụ và diễn xướng độc đáo của đồng bào các dân tộc, mà còn phải chú ý đến hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa đang hiện hữu ở nơi đây. Tây Nguyên được nhân dân cả nước biết đến bởi Thánh địa Cát Tiên, di tích Tây Sơn Thượng đạo, các di tích nhà mồ, nhà sàn, nhà rông nổi tiếng ở Buôn Đôn, các kiến trúc cổ từ thời Pháp thuộc ở thành phố Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Pleiku. Tây Nguyên hào hùng với bao truyền thống cách mạng, từng là nơi đày ải tù chính trị dưới thời thực dân với những nhà lao, nhà ngục, nhà đày khét tiếng ở Đông Dương. Tây Nguyên còn đi vào cuộc trường chinh chống giặc ngoại xâm của đất nước với chiến công của anh hùng Lơng, anh hùng Núp; tô điểm thêm cho lịch sử dân tộc với chiến thắng giòn giã của trận đánh Buôn Ma Thuột mở màn cho Đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất non sông về một mối... Nếu so sánh với các vùng miền khác của đất nước, số lượng các di chỉ khảo cổ, di tích lịch sử, di tích kiến trúc văn hóa ở Tây Nguyên còn khá khiêm tốn, tuy nhiên, chúng lại có những giá trị độc nhất vô nhị, không lặp lại ở bất kỳ một địa phương, một vùng miền nào khác. Nhiều di tích còn được bảo tồn hoàn hảo, đã và đang được khai thác hiệu quả cho việc nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch ở các địa phương. Để cung cấp cho bạn đọc những hiểu biết tổng quan, cơ bản về các di tích lịch sử - văn hóa đặc sắc ở Tây Nguyên, cuốn sách DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA TÂY NGUYÊN được biên soạn trên cơ sở sưu tầm, chắt lọc những tư liệu tin cậy từ các ấn phẩm sách, tạp chí đã xuất bản và các trang thông tin, báo điện tử của Trung ương và địa phương. Nguồn tài liệu của mỗi mục được giới thiệu trong phần chú thích cuối trang (footnote), riêng các chi tiết quan trọng sẽ có trích dẫn cụ thể để bạn đọc tiện tra cứu.
Giá ZERO